Thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 - 2024 của Ban thường vụ Quận đoàn - Phòng giáo dục và đào tạo quận Hồng Bàng; Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường về việc tổ chức chào cờ và kể chuyện Bác Hồ (Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng). Thứ 2, ngày 4 tháng 12 năm 2023 Liên đội trường THCS Hồng Bàng tổ chức buổi lễ chào cờ tháng 12 với chủ điểm “Uống nước nhớ nguồn”.
Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn học sinh yêu quý!
Em là Đỗ Hoàng Anh - học sinh lớp 8A9 - Trong buổi kể chuyện về Bác Hồ hôm nay, em xin gửi tới các thầy cô và các bạn câu chuyện “Bác Hồ với tinh thần tự học”.
Câu chuyện như sau:
Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp. Đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc đều phải sử dụng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì thật là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đã đặt ra quyết tâm “Nhất định phải học nói, học viết cho kỳ được tiếng Pháp” và Bác đã tìm ra được phương pháp học cho riêng mình dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn.
Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp, dưới các tên Văn Ba, mỗi lúc rảnh rổi, Bác thường tìm đến hai người lính trẻ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết rõ về cái gì, muốn biết đồ vật nào đó viết bằng tiếng Pháp như thế nào, Bác đều chỉ tay hỏi. Tối tối, sau khi đi làm về, Bác ghi lại những từ mới vào. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay.
Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành từng bài dài. Một thời gian sau, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Trong những lần gửi bài, Bác nói với mọi người trong Tòa soạn rằng: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết này của tôi được đăng, nhưng dù thế nào cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi”. Sau mỗi lần bài viết của Bác được đăng báo, Bác vui mừng khôn xiết, và theo chỉ dẫn của những chủ bút, Bác vẫn không quên xem lại từng câu từng chữ, xem bài viết của mình đúng sai chỗ nào, Toà soạn báo đã sửa lại cho mình ra sao? Bác tập viết đi viết lại, khi thì viết diễn giải ra cho dài, lúc là những đoạn ngắn cho súc tích.
Cứ sau mỗi ngày làm việc, dù công việc bận bịu tới đâu, Bác vẫn tranh thủ đọc vài trang tiểu thuyết, vừa để giải trí, thư giãn đầu óc lại vừa để trau dồi kiến thức. Bác tập viết những bài phóng sự. Sáng nào Bác cũng viết từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi, tới 7 giờ Bác lại bắt tay vào công việc. Dù trời nóng hay rét, Bác cũng không nản chí. Thấm thoắt thời gian trôi đi, cho đến năm 1922, Bác đã trở thành chủ bút của tờ báo “Người cùng khổ” viết bằng 3 thứ tiếng: Tên báo bằng tiếng Pháp đặt ở giữa, chữ Ả Rập bên trái và bên phải là chữ Hán, tất cả đều do Bác viết. Do Tòa soạn báo không có Ban biên tập thường xuyên, nên nhiều khi Bác phải “cáng đáng” mọi việc từ khâu sửa chữa, biên tập bài vở, tới khâu bán báo.
Các bạn thân mến, từ câu chuyện về tinh thần tự học của Bác Hồ, mỗi học sinh chúng ta càng hiểu hơn giá trị của tự học. Học kỳ 1 đã sắp kết thúc, mình chúc mỗi bạn sẽ rèn luyện cho mình tinh thần tự học và tìm được phương pháp học tập hiệu quả để đạt kết quả cao trong học tập. Em xin kính chúc các thầy cô mạnh khỏe để tiếp tục dìu dắt chúng em trên con đường chinh phục tri thức.
Em xin cảm ơn các thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!