Thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 - 2024 của Ban thường vụ Quận đoàn - Phòng giáo dục và đào tạo quận Hồng Bàng; Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường về việc tổ chức chào cờ và kể chuyện Bác Hồ (Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng). Thứ 2, ngày 9 tháng 10 năm 2023 Liên đội trường THCS Hồng Bàng tổ chức buổi lễ chào cờ tháng 10 với chủ điểm “Chăm ngoan học giỏi”.
Em xin kính chào các thầy cô và các bạn. Em xin giới thiệu, em tên là Đặng Ngọc Hoa, chi đội lớp 7A3 trường THCS Hồng Bàng. Hôm nay, trong không khí trang nghiêm của lễ chào cờ đầu tháng 10 (năm học 2023 - 2024), em rất vinh dự và tự hào được thay mặt toàn thể các anh chị, các bạn học sinh khối sáng, được kể câu chuyện cảm động về Bác Hồ kính yêu.
Kính thưa thầy cô và các bạn!
Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Với Người, lời nói đi đôi với việc làm - đó là một trong những nguyên tắc sống trong suốt cuộc đời. Câu chuyện “Nước nóng nước nguội’ là lát cắt nhỏ trong mẫu chuyện về cuộc đời Bác thể hiện được nghệ thuật giáo dục con người ở Bác, về cách ứng xử khơi dậy được phần hương sắc trong tâm hồn của con người. Câu chuyện được kể lại theo lời của đồng chí Nguyễn Việt Hồng in trong cuốn: “Một số lời dạy và mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Chuyện kể rằng, buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sĩ. Đồng chí này từng là giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.
Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc, Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.
Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ, “đồng chí cán bộ” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước nguội. Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:
- Chú uống đi.
Đồng chí cán bộ kêu lên:
- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.
Bác mỉm cười:
- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội mát không?
- Dạ, có ạ.
Bác nghiêm nét mặt nói:
- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.
Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…
Câu chuyện “NƯỚC NÓNG, NƯỚC NGUỘI” đã cho ta thấy được sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, và cách ứng xử sâu sắc và khéo léo của Bác. Mặc dù anh cán bộ trên nóng tính và có những cách cư xử không đúng mực tạo dư luận không tốt. Thay vì khiển trách kỷ luật, Bác đã mượn hình ảnh ly nước nóng để đồng chí trên tự nhận thấy khuyết điểm và nhận lỗi, sửa chửa.
Từ câu chuyện của Bác, học sinh chúng em càng thấm thía thêm nhiều bài học ý nghĩa. Trong mọi tình huống giao tiếp phải thật sự bình tĩnh và khéo léo, cho dù làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp, với đơn vị khác và người thân thì không được nóng giận cáu gắt một cách mất kiểm soát. Có thể do áp lực gia đình, áp lực học tập đôi lúc làm chúng ta bực dọc, nóng nảy. Nhưng nếu mỗi người chúng ta không tự học cách kìm chế bản thân thì bầu không khí xung quanh càng nặng nề và nó lại tiếp tục gây ra những hậu quả xấu hơn. Đặc biệt, trong việc nhận xét, góp ý với người khác thì nên nhận xét, góp ý một cách khéo léo, không nên quá gay gắt. Giống như cách Bác đã xử lý tình huống trong mẫu chuyện nước nóng nước nguội trên.
Em xin trân trọng cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Em xin kính chúc các thầy cô sức khỏe, hạnh phúc. Chúc các anh chị, các bạn học sinh ngày càng chăm ngoan, học giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Em xin chân thành cảm ơn!