Thực hiện chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 - 2024 của Ban thường vụ Quận đoàn - Phòng giáo dục và đào tạo quận Hồng Bàng; Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu nhà trường về việc tổ chức chào cờ và kể chuyện Bác Hồ (Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng). Thứ 2, ngày 9 tháng 10 năm 2023 Liên đội trường THCS Hồng Bàng tổ chức buổi lễ chào cờ tháng 10 với chủ điểm “Chăm ngoan học giỏi”.
Kính thưa các thầy cô giáo và toàn thể các anh chị, các bạn học sinh trường THCS Hồng Bàng.
Em xin tự giới thiệu em tên là Phạm Quỳnh Anh, học sinh lớp 8A3.
Để hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, kể chuyện Bác Hồ vào buổi chào cờ. Sau đây chúng em xin phép được kể câu chuyện về Bác: “Chiếc đồng hồ!”
Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta từng nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Thật vậy, một câu nói tuy giản dị của Bác nhưng từ lâu đã trở thành lẽ sống, phương châm sống và khẩu hiệu hành động của Đảng ta, dân tộc ta. Theo dõi các tác phẩm, câu chuyện của Bác tuy gắn gọn nhưng chan chứa biết bao bài học sâu sắc, đặc biệt là qua hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt để giáo dục con người về đức tính đoàn kết trong cuộc sống hằng ngày.
Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Song, Bác hỏi:
-Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?
Nói xong, ai nấy đều nhìn nhau, bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go, mỗi người một ý. Khi mọi người còn đang chật vật suy nghĩ thì Bác lại hỏi:
- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?
Vừa nghe, mọi người liền đồng thanh, cùng đưa ra ý kiến thống nhất:
- Thưa không được ạ.
Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:
Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai ai đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình. Để rồi từ đó rút ra bài học cho bản thân, quả thật Bác rất tài!
Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?
Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!
Nghe Bác nói, mọi người ồ lên như đã ngộ ra điều gì. Sau câu chuyện, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải quyết tâm hoàn thành. Và cùng với đó, Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp đến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.
Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư – tiến sỹ Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, người sinh viên trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ ngày nay.
Chiếc đồng hồ quả quýt còn là một hiện vật vô giá thể hiện tình cảm Quốc tế đối với Bác, đó là chiếc đồng hồ do Tổ chức Quốc tế “Cứu Tế đỏ” tặng, Bác luôn giữ nó trong mình, trong những năm tháng bị cầm tù gian khổ cho đến ngày Việt Nam giành được độc lập.
Đọc xong câu chuyện này, chúng em thấy thật thấm thía và trưởng thành hơn qua bài học về tinh thần đoàn kết quý giá của dân tộc mà Bác truyền dạy. Bởi chúng em hiểu rằng, đối với nhà trường, lớp học chúng ta cũng vậy, cũng giống như một chiếc đồng hồ; mỗi bạn học sinh là một bộ phận không thể thiếu bởi lẽ ai cũng mang trong mình những vai trò, những sứ mệnh cao cả riêng. Chính trong mái trường Hồng Bàng thân yêu, có thể thấy, các bạn học sinh đã biết phát huy tinh thần kết đoàn, giúp đỡ nhau học tập và cùng nhau tiến bộ theo từng ngày. Chúng em thiết nghĩ đây là một hành động tốt, đã đang và sẽ được nêu cao hơn nữa trong tương lai.
Từ câu chuyện “Chiếc đồng hồ” thể hiện Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại, hiểu lòng dân, mang trong mình những phẩm chất quý giá mà thế hệ trẻ nên học tập và noi theo. Bản thân Bác luôn hướng tới những giá trị và những bài học tốt đẹp, bởi Bác đã từng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân.”
Em xin trân trọng cảm ơn sự lắng nghe của các thầy cô và các bạn học sinh.
Em kính chúc các thầy cô mạnh khỏe, hạnh phúc.
Chúc các bạn học sinh trường THCS Hồng Bàng luôn đoàn kết, chăm ngoan học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập.